Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

Chiều, lang thang vào một xóm trọ nghèo tìm nhà người bạn, tôi vô tình quẹt phải một người đàn bà - áng chừng bằng tuổi mẹ tôi - khiến chiếc xe hàng xén lưu động với rau, trứng, thịt, cá… của bà đổ tung tóe. 

 Sau lời xin lỗi rồi mua giúp bà vài bịch cà muối, rổ cá hấp, tôi ngỏ ý được đền số hàng bị hỏng nhưng bà nhất quyết không nhận, chỉ lấy đúng số tiền hàng tôi đã mua rồi lẳng lặng đẩy xe đi. Muốn đuổi theo để hỏi thêm gia cảnh của bà, nhưng lại ngại chạm phải nỗi đau nào đó, nên tôi chỉ biết đứng nhìn dáng bà liêu xiêu đẩy chiếc xe lẫn vào dòng người xe đông đúc. Bất giác thấy mắt mình cay cay.
Nhìn bịch cà muối trên tay, bỗng dưng tôi nhớ nhà kinh khủng. Nhớ cái làng nhỏ quanh năm bão lũ quê mình. Nhớ tuổi thơ nghèo bên mâm cơm chiều đạm bạc luôn thiếu thịt cá, thừa rau dưa của mẹ. Nhớ cả tiếng khóc la bai bải của thằng Út đòi ăn miếng thịt kho bé xíu mà mẹ dành riêng khi nội ốm. Nhớ cả tiếng bà nội tôi nhỏ nhẻ với mẹ “nhà có cơm trắng ăn là đã tốt rồi con” và chuyển miếng thịt sang cho thằng Út, mình thì trệu trạo nhai cơm với cà dầm tương.
Ảnh : Khắc Hiếu
Ừ nhỉ, ở nơi cái nghèo xắt ra tro ra trấu như làng tôi mà có được ngày hai bữa cơm trắng không phải là điều dễ dàng. Năm nào mùa màng thất bát thì cơm độn ngô, khoai là chuyện thường tình. Cũng may, vườn cà của mẹ không kén đất cằn, nên món cà muối dầm tương của mẹ, của bà luôn là món ăn chủ lực trong bữa cơm gia đình.
Món cà mẹ muối bao giờ cũng ngon tuyệt, dù chỉ vài quả cà pháo muối dầm với tương bần. Nhớ ngày nhỏ, mỗi lần giúp mẹ muối cà, mẹ thường dặn: “Muối cà tuy đơn giản nhưng phải biết cách thì cà mới giòn, mới trắng và không bị chua. Muốn thế thì phải chọn những quả cà tròn và đều như những viên đá cuội mới ít hạt. Khi đem phơi nắng cũng chú ý chỉ phơi một nắng, canh quả cà vừa heo héo thì mang vào, nếu phơi lâu cà sẽ bị dai”. Mẹ xếp từng lớp cà vào vại sành rồi bắc một nồi nước, nước sôi cho vào nồi một lượng muối vừa đủ mặn khuấy tan. Nước muối để nguội chế vào vại cà sao cho nước vừa xăm xắp mặt cà. Sau đó, thả vào dăm lát gừng cho thơm rồi dùng vỉ tre nén cà thật chặt, sao cho quả cà nào cũng ngập trong nước, khi vớt ra, để bao lâu cà vẫn trắng phau, giòn rụm.
Còn để có chén tương dầm với cà, phải kể đến công phu của nội. Năm nào mưa thuận gió hòa, nội tranh thủ cấy thêm một thửa gạo nếp cái hoa vàng, mà theo nội là để dành vào dịp giỗ chạp và làm món tương bần. Món tương bần của nội được làm từ xôi phơi nắng cho mốc vàng hoa cau rồi ủ với lá nhãn cho thơm. Đỗ tương rang vàng, xay nhỏ ngâm trong chum sành với nước để đỗ lên màu vàng đỏ. Sau đó, nội dùng nước đỗ ngâm trong chum sành tưới lên mốc xôi và trộn thật đều, đợi xôi lên mốc vàng. Tiếp đó, cho mốc vào chum đỗ cùng muối tinh với lượng phù hợp và khuấy đều rồi phơi nắng. Nội bảo, tương ngon là do nắng, mà nắng ở quê tôi thì lúc nào cũng sẵn nên món tương bần nội làm bao giờ cũng sánh vàng như mật, thơm lừng.
Cứ thế, món cà dầm tương của mẹ, của nội tự bao giờ đã trở thành nỗi nhớ trong tôi. Để hôm nay, bất chợt gặp lại cảnh nghèo giữa phố, lòng tôi lại quặn thắt.

0 nhận xét :

Đăng nhận xét

Design by Hao Tran -