Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

Thực phẩm từ các loại động vật cung cấp dưỡng chất cho cơ thể nhưng cũng là nguồn truyền bệnh vô cùng nguy hiểm…


Bệnh từ hải sản
Bên cạnh các loại cua, tôm, cá khỏe mạnh vẫn có những con nhiễm ký sinh. Ký sinh thường trú ẩn trong mai cua. Những người uống nước cua sống để chữa bệnh hoặc nấu canh cua, ăn cua hấp chưa chín kỹ rất dễ bị nhiễm. Ký sinh trong tôm, cá thường nằm trong cơ, hệ tiêu hóa của chúng. Những người thích ăn món gỏi cá sống, tôm sống, hàu sống đều có thể bị nhiễm ký sinh. Sau khi bị nhiễm, trứng sán phát triển thành ấu trùng xuyên qua cơ hoành tạm trú ở phổi. Trong khoảng từ 10 - 20 ngày, người bị nhiễm thấy mệt, sốt nhẹ, ngứa và ho. Ho khạc đờm ra máu, thường xảy ra vào buổi sáng… ThS-BS Lê Đình Vĩnh Phúc - Phòng khám nhiễm - Trung tâm Chẩn đoán y khoa Medic TP.HCM cho biết: “Theo Tổ chức Y tế thế giới, có khoảng 22 triệu người mắc bệnh sán lá phổi. Ở nước ta, bệnh gặp nhiều ở vùng sông hồ phía Bắc (cua ở các vùng này có tỷ lệ nhiễm nang trùng của sán lá phổi cao)”.
Ngoài sán lá phổi, trong các loại hải sản còn có giun lươn. Bệnh giun lươn được nhận biết khi có những đường ngoằn ngoèo ở da, bầm máu, nổi mề đay. Người nhiễm bị đau bụng, tiêu chảy, ngứa hậu môn, sụt cân nhẹ. Trường hợp nặng, có thể bị tắc ruột, viêm phổi, viêm não, nhiễm trùng huyết…
Ký sinh từ heo, bò
Trong thịt heo và thịt bò đôi khi có nang ấu trùng chứa sán, người ta thường gọi là “gạo” vì trông chúng giống hạt gạo nhưng dài và dẹp hơn, màu trắng đục. Ấu trùng sán khi vào cơ thể có thể định cư ở ruột non hoặc “đi” khắp cơ thể, cư trú ở bất kỳ đâu. Đã có trường hợp ấu trùng sán nằm trong não gây ù tai, chóng mặt, nhức đầu ngỡ là khối u, mổ ra mới biết là… sán. Nhẹ hơn thì ấu trùng nằm dưới da nổi cộm từng hạt.
Sán trong thịt bò khó nhận biết hơn vì dễ nhầm là gân. Nhưng sợi gân thường liên kết với cơ, còn ấu trùng sán có thể cầm rút ra được. Chúng có màu trắng như gân nhưng hình thù gọn gàng và đều tăm tắp. Khi người là ký chủ chính - sán sẽ định cư ở ruột non, trưởng thành dài hàng chục mét, sinh con đàn cháu đống là những dải màu trắng theo phân ra ngoài tìm ký chủ mới. Có không ít trường hợp phát hiện ra đốt sán già dài khoảng 1cm màu trắng ngà, dính vào quần. Trường hợp người không phải là ký chủ chính thì ấu trùng không thể lớn lên được nên xâm nhập vào mạch máu và di chuyển đến bắp thịt, mô dưới da, não, mắt, gây tổn thương não, động kinh, giảm thị lực hay mù mắt…
Cẩn thận với rau
Khi ăn các loại rau nhiễm ấu trùng, cơ thể người sẽ bị nhiễm ấu trùng sán lá gan lớn. Ấu trùng sán vào dạ dày, xuống tá tràng, tự tách vỏ và xuyên qua thành tá tràng đến gan, đục thủng bao gan để xâm nhập vào gây tổn thương gan. Đây là giai đoạn cơ thể xuất hiện kháng thể giúp chúng ta tìm bệnh tương đối dễ. Dừng ở gan khoảng hai-ba tháng, sán di chuyển vào đường mật rồi lớn lên và đẻ trứng. Trong quá trình cư trú, sán gây tổn thương biểu mô đường mật, tắc mật, viêm và xơ hóa đường mật thứ phát, có thể gây ung thư biểu mô đường mật.
Theo ThS-BS Lê Đình Vĩnh Phúc, nước ta nằm trong trong vùng khí hậu nhiệt đới, là vùng dịch tễ lưu hành của các loại giun, sán, cộng với tập quán ăn uống chưa nấu chín ở một số nơi trong điều kiện thực phẩm không đảm bảo vệ sinh là điều kiện rất thuận lợi, cho sán khép kín chu trình sống của nó từ thực phẩm qua người. Đối với các thể bệnh thông thường, việc chẩn đoán và điều trị dễ dàng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm gặp, ký sinh trùng di chuyển đến những cơ quan trọng yếu như tim, gan, phổi, não, mắt… thì việc chẩn đoán và điều trị gặp nhiều khó khăn.
Cách phòng bệnh ký sinh lây truyền từ thực phẩm qua người hiệu quả nhất là thay đổi tập quán ăn uống. Không ăn các món tái, sống, cần uống nước đun sôi để nguội… BS Trần Tịnh Hiền - nguyên Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, hướng dẫn cách phòng giun lươn: “Ấu trùng giun lươn xâm nhập cơ thể bằng cách chui qua da, theo tĩnh mạch về tim đến phổi, lên khí quản rồi chui xuống ruột, định cư ở đây đến khi trưởng thành và sinh sản. Đây là bệnh thường gặp, vì thế khi đi vào vùng nuôi gia súc không đi chân đất, mang găng tay, tạp dề, không cho trẻ em nghịch đất, cát”.

0 nhận xét :

Đăng nhận xét

Design by Hao Tran -