Cháu họ tôi ở vùng núi Hà Tĩnh, nhưng kết quả học tập, hiểu biết xã hội, quan hệ giao tiếp của cháu không thua gì trẻ ở thành phố. Có được như thế một phần là nhờ internet.
Anh chị tôi nối mạng với mục đích chính là… phục vụ con. Thằng bé gần như ngày nào cũng lên mạng làm toán tham gia cuộc thi Olympic, học tiếng Anh, đọc, tải các bài viết về những đề tài cháu quan tâm như các nền văn minh thế giới, thành tựu khoa học, chuyện về các nhân vật xuất chúng… Anh chị tôi hoàn toàn thoải mái trong việc để con truy cập internet, coi đó là công cụ để con bổ sung kiến thức. “Như thế anh chị có dễ dãi quá không? Có chủ quan quá không?”, tôi ái ngại khi thấy anh chị gần như thả lỏng con với internet. “Không. Nó làm gì anh chị đều biết. Thằng bé sử dụng internet nghiêm túc theo yêu cầu của bố mẹ. Nó cũng không mở các trò chơi điện tử vì sợ sa đà vào đó mất thời gian”, anh chị cùng trả lời. “Nhưng nó mới học lớp 5, sao hiểu được những gì nên và không nên khi dùng mạng. Đến một ngày nào đó nó sẽ tò mò?”, tôi vẫn chưa hết băn khoăn. “Trước khi quyết định kết nối mạng, anh chị đã cho con trai qua một “khóa học” sử dụng internet rồi. Nói cho con biết những mặt trái nếu mình không biết ứng dụng, nếu đi quá xa. Thằng bé vốn là đứa biết nghe lời, ham học. Với nó, mở internet là để học”. Tôi tin anh chị khi nhìn kết quả học tập của cháu, giải nhất thi toán Olympic của huyện, giải nhì môn văn học sinh giỏi huyện và là người anh gương mẫu, đã biết dạy chữ, dạy đọc, tập viết cho em gái chuẩn bị vào lớp 1.
Thái độ cởi mở này trái ngược với sự cứng nhắc của cô bạn đồng nghiệp tôi. Con trai bạn năm nay cũng học lớp 5 nhưng mỗi lần thằng bé đụng tới bàn phím là lại bị mẹ hét lên. Một lần thằng bé theo mẹ tới cơ quan, thấy nó đứng thẫn thờ ngoài hành lang chờ mẹ xong việc, tôi bảo nó vào, khởi động máy vi tính cho nó thích làm gì thì làm. Thằng bé ra vẻ rất thích nhưng ánh mắt sợ sệt nhìn mẹ. Thằng bé cũng là học sinh giỏi liên tục nhiều năm, là đứa trẻ ngoan, nhưng internet là một thế giới xa lạ với nó. Tôi chưa góp ý hết câu rằng bạn làm vậy là cực đoan thì bạn đã lôi ra bao nhiêu bằng chứng về những trẻ hư do dùng internet.
Anh chị họ tôi cho con tiếp cận internet sớm vì muốn tốt cho con. Bạn tôi không cho con xài internet sớm cũng vì muốn tốt cho con. Có gì khác ở đây? Tôi nghĩ đó là ở cách nhìn nhận của mỗi bậc bố mẹ.
Nhớ lại lời anh chị nói vui khi tôi ở quê thấy cũng có lý: “Anh dám để con đạp xe hai cây số đến lớp, cho con theo bạn ra đồng bắt cá, cho con ra Hà Nội chơi cả tháng hè… thì internet có gì mà không dám chứ. Thời đại thông tin, cấm con dùng internet chẳng phải là đi ngược sao?”. Suy cho cùng, vấn đề chính là cách giáo dục trong gia đình. Rất không thỏa đáng nếu một đứa trẻ xao lãng học hành, tiêm nhiễm thói xấu khi tiếp xúc với internet thì mọi người lại đổ lỗi do internet. Tôi nghĩ trong trường hợp này, internet chỉ là giọt nước làm tràn ly, đứa con đó đã có những vấn đề từ trước.
Internet cũng như xã hội bên ngoài với đủ mọi mặt tốt xấu. Bị cám dỗ vào nội dung không lành mạnh hay không là ở bản lĩnh mỗi đứa trẻ. Bản lĩnh đứa trẻ có được hay không là do quá trình dạy dỗ từ bố mẹ. Với đứa trẻ thiếu bản lĩnh, nếu không có internet thì một ngày nào đó cũng sẽ có lý do khác để đổ lỗi cho sự sa ngã. Liệu bố mẹ có theo sát mãi để phòng ngừa mọi tình huống?
Ngày nay nhiều phụ huynh nhắc đến internet với tinh thần đầy cảnh giác. Họ bất an khi con truy cập internet nên vì thế họ tìm nhiều cách để ngăn cản. Tâm trạng, cách phòng thủ đó có thể thông cảm và hiểu được nhưng thật ra là họ đã lo lắng quá mức cần thiết. Internet không đáng sợ như họ nghĩ. Sự cấm cản đó vô tình để mất một cơ hội cho con cái học hỏi, mở rộng kiến thức, phát triển tố chất.
0 nhận xét :
Đăng nhận xét